10 năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào?
Trong giai đoạn 2021 – 2030, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng trưởng kinh tế thế giới và các yếu tố tác động trong nước. Trong đó, các yếu tố thuận lợi và bất lợi đan xen nhau.
Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF) vừa qua đã đưa ra dự báo về xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.
Tổ chức này nhận định trong 10 năm tiếp theo, kinh tế trong nước tiếp tục đan xen giữa những lợi thế và thách thức.
Theo đó, thế và lực của Việt Nam trong giai đoạn này đã lớn mạnh hơn nhiều nhưng chưa tạo được nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng, chất lượng tăng trưởng kinh tế được nâng lên, bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu…
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng tỷ lệ nợ công cao, nguy cơ nợ xấu lớn, cải cách DNNN chậm hay năng lực thể chế có cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chất lượng nguồn nhân lực thấp… tiếp tục là những rủi ro tiềm ẩn.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu so với các nền kinh tế khác.
10 năm tiếp theo, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng vấn đề hội nhập tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu so với các nền kinh tế khác.
Nhưng khác với giai đoạn trước, hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới đòi hỏi đổi mới tư duy sang chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương và song phương gắn với nhiều lĩnh vực: an ninh, chính trị, quốc phòng cũng như các vấn đề phát triển bền vững, sáng tạo và ứng phó các thách thức toàn cầu.
Quá trình toàn cầu và hội nhập kinh tế quốc tế có thể tạo điều kiện cho xuất khẩu Việt Nam, tạo điều kiện thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh trong nước sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ.
Dù vị trí địa chính trị tại trung tâm khu vực và tình hình chính trị – xã hội ổn định giúp Việt Nam thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế song cũng tạo những sức ép lớn. Bên cạnh đó, kinh tế trong nước sẽ phải đối mặt với tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là cách mạng số.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với một số khía cạnh như chênh lệch giàu nghèo có xu hướng doãng rộng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; vấn đề già hoá dân số; gia tăng tầng lớp trung lưu với những cơ hội và thách thức mới, biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên…
NCIF cũng đưa ra một số dự báo tăng trưởng cho giai đoạn 2021 – 2030.
Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng cao do tiếp tục hưởng lợi từ mô hình tăng trưởng kinh tế cũ nhưng có sự cải thiện về hiệu quả và năng suất.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao này sẽ khó có thể được duy trì trong các năm tiếp theo đó khi động lực cũ đã tới hạn. Sự chuyển dịch cơ cấu ngành sẽ chậm lại so với giai đoạn trước đó. Năng suất lao động tăng chậm sẽ tiếp tục là rào cản cho tăng trưởng trong giai đoạn này.
Dự báo tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 7%/năm giai đoạn 2021-2025 và 6,5%/năm giai đoạn 2026-2030. Ổn định vĩ mô tiếp tục được duy trì với lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Hiệu quả sử dụng vốn có cải thiện và năng suất lao động tăng trưởng ở mức 6%/năm.
Nam Dương
* Nguồn: CafeBiz