Ông Phạm Tấn Đạt, CEO Fado tại sự kiện. Ảnh: Anh Khoa
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận định nhìn vào các số liệu xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm có thể thấy đã có những biến động nhất định. Đơn cử, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc giảm 1,4% so với cùng kỳ, lượng xuất khẩu đi Mỹ lại tăng trưởng 29%, mức tăng cao nhất trong số các thị trường chính.
Tuy vậy, ông nhấn mạnh trong cuộc chơi này, không nên chỉ nhìn vào những cơ hội mở ra, mà các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn thẳng vào những việc có thể làm để tìm đường tiến sâu vào thị trường thế giới một cách bền vững.
Làm thế nào để kéo đơn hàng về tay doanh nghiệp Việt
Tại Diễn đàn, một chủ đề quan trọng sẽ được các diễn giả bàn tới là khai thác cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến.
Lâu nay, phương thức truyền thống để hàng hoá Made in Vietnam tìm đến các nhà nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc là tham gia triển lãm, tìm đến văn phòng xúc tiến thương mại, đại sứ quán, phái đoàn của Việt Nam tại nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể đón đoàn đối tác đến thăm doanh nghiệp, thông qua các nhà môi giới nhập khẩu…
“Với những phương thức này, doanh nghiệp mất tối thiểu 6 tháng từ lúc tiếp xúc đối tác đến lúc ký được hợp đồng”, ông Phạm Tấn Đạt nói. Theo đánh giá của ông, đây là quãng thời gian quá lâu, nhất là trong bối cảnh thị trường thường xuyên xoay chuyển có lúc chỉ sau một dòng tweet của Tổng thống Mỹ.
Ông Phạm Tấn Đạt và ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VECOM (phải) tại sự kiện. Ảnh: Anh Khoa
Để giải quyết bài toán này, ông Đạt cho rằng xuất khẩu trực tuyến là phương thức nhanh nhất giúp doanh nghiệp có được đơn hàng một cách nhanh chóng. Ví dụ, riêng nền tảng điện tử Alibaba của Trung Quốc thu hút tới 290 triệu doanh nghiệp mua hàng từ 240 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia mua bán trên 2 triệu cửa hàng trên nền tảng online.
Hiện Fado phối hợp cùng Vecom phối hợp thực hiện chương trình làm thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, ông Đạt cho hay. Fado hỗ trợ hai vấn đề chính là kiến thức và dịch vụ. Về kiến thức, ông Phạm Tấn Đạt cho biết công ty sẽ cung cấp cách vận hành một công ty trên môi trường online. Ngoài ra, Fado cũng giúp doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ để nhanh chóng tiếp cận khách hàng toàn cầu.
Từ khi thực hiện hoạt động xúc tiến hỗ trợ các doanh nghiệp đến nay, Fado cho biết đã cùng đồng hành với trên 400 doanh nghiệp và thu được nhiều kết quả khả quan.
“Đã có nhiều doanh nghiệp tìm được đơn hàng chỉ sau 2 tuần khi đồng hành cùng chúng tôi như Công ty sản xuất nông sản Trung Hiếu, Công ty Green Hair Trading, Công ty Cổ phần Thuỷ sản Hà Nội – Cần Thơ, Công ty Lê Tùng 91…”, ông Phạm Tấn Đạt nói. Ví dụ, công ty Shand Việt Nam thành lập tháng 1/2017 với sản phẩm nén mùn cưa. Chỉ sau 12 tháng đã có hàng loạt đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc với tổng sản lượng 10.000 tấn mỗi tháng.
Để các doanh nghiệp có cái nhìn toàn cảnh về đối đầu thương mại Mỹ – Trung và Những tác động tới doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm sang các thị trường nước ngoài, Diễn đàn quy tụ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực. Ông Lê Đình Tĩnh, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương nói về đối đầu thương mại Mỹ Trung. Đại diện các hiệp hội da giày, xuất khẩu thuỷ sản cùng các nhà quản lý sẽ bàn về tác động của những biến động nói trên tới doanh nghiệp. Tại phần cuối, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, ông Phạm Tấn Đạt, CEO FADO, đối tác được uỷ quyền toàn cầu của Alibaba.com và các đại diện Bộ ngành sẽ nói về cách khai thác cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến.
Diễn đàn dự kiến thu hút 600 khách mời, chủ yếu là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Xem thêm nội dung chương trình và đăng ký tham dự tại https://uc.vecom.vn
Anh Khoa