Uber đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho tài xế
Một loại vaccine Covid-19 đã được chấp thuận sử dụng tại Mỹ, và những liều đầu tiên sẽ được tiêm vào tuần tới. “Cuộc chiến” ai được tiêm sớm nhất cũng đang bắt đầu tại nước này. Theo Los Angeles Times, các nhân viên chăm sóc sức khỏe là những người được ưu tiên hàng đầu.
Trong bức thư gửi đến các thống đốc Mỹ, cũng như Tổng thống đắc cử Joe Biden, CEO Dara Khosrowshahi đề xuất những nhân viên của họ nên là những người được tiêm đầu tiên.
“9 tháng qua, những người lao động này mang tới ‘phao cứu sinh’ cho cộng đồng. Họ đã đưa những nhân viên chăm sóc sức khỏe đến bệnh viện, giao thức ăn cho những người bị cách ly xã hội ở nhà và giúp các nhà hàng địa phương duy trì hoạt động kinh doanh”, bức thư viết.
Trong bức thư, ông Khosrowshahi cho rằng công việc của người lái xe và người giao hàng đã trở nên thiết yếu. Đó là lý do tại sao Uber muốn họ được tiêm vaccine nhanh chóng, dễ dàng và miễn phí.
“Uber sẵn sàng làm mọi thứ mình có thể như tận dụng công nghệ, chuyên môn hậu cần và nguồn lực để bảo vệ những người làm việc trên nền tảng cũng như đưa vaccine đến công chúng nhanh chóng và hiệu quả nhất”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Grab quyên góp cho UNICEF
Hồi tháng 6, Grab kết hợp với UNICEF cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân và vật tư y tế cần thiết cho nhân viên y tế tuyến đầu chiến đấu với đại dịch Covid-19, cũng như nước rửa tay để giúp trẻ an toàn trong trường học.
Chương trình áp dụng với 4 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Người dùng Grab có thể quyên góp thông qua ví điện tử GrabPay để giúp UNICEF mua các vật dụng như khẩu trang, găng tay, xà phòng, lều và áo choàng cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe và trẻ em.
“Những người già nhất, nghèo nhất và trẻ nhất là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Nếu không có thêm đầu tư cho trẻ em và sự hỗ trợ của các đối tác như Grab, chúng ta có nguy cơ đánh mất những thành tựu giúp trẻ em tồn tại và phát triển. Các trường học cần mở cửa lại một cách an toàn vì trẻ em nghỉ học càng lâu thì khả năng quay trở lại của chúng càng ít”, Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF, Karin Hulshof nói.
Tại Việt Nam, Grab cũng công bố phê duyệt một khoản ngân sách đến 70 tỷ đồng (tương đương 3 triệu USD) nhằm hỗ trợ Chính phủ và hỗ trợ tài chính trực tiếp cho một số đối tác nhà hàng, tài xế đang hoạt động trên nền tảng Grab, cũng như chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch Covid-19.
Sếp Gojek trích lương hỗ trợ tài xế
Từ đầu tháng 3, các đồng giám đốc điều hành và quản lý cấp cao của Gojek cam kết trích 25% tiền lương của họ trong 12 tháng tới vào một quỹ hỗ trợ các tài xế, thương gia và đối tác của Gojek trong đại dịch Covid-19.
Gã khổng lồ gọi xe và giao đồ ăn của Indonesia cũng sẽ chuyển ngân sách dành để tăng lương hàng năm cho nhân viên vào quỹ. Một phát ngôn viên của công ty cho biết số tiền này kết hợp với các khoản đóng góp từ lãnh đạo doanh nghiệp, lên tới khoảng 6 triệu USD.
Với tuyên bố này, Gojek là một trong những startup Đông Nam Á đầu tiên công bố cắt giảm lương quản lý khi ngành công nghiệp gọi xe đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Gojek cũng hợp tác với ứng dụng y tế từ xa Halodoc để triển khai dịch vụ tư vấn trực tuyến cho cộng đồng trong đại dịch.
Quỹ hỗ trợ tài xế là một trong những thay đổi được gã khổng lồ Indonesia thực hiện để ứng phó với những biến cố bất ngờ trong Covid-19. Đây cũng là một trong những nội dung rất nhân văn sẽ được CEO Phùng Tuấn Đức của Gojek Việt Nam chia sẻ trong talk Nguy – Cơ 16, phát sóng trên VnExpress ngày 24/12.
Nguồn: vnexpress