Kinh doanh trực tuyến: từ xoay xở trong mùa dịch đến chiến lược dài hạn

Dịch bệnh xuất hiện đã khiến nhiều nhà kinh doanh phải nhìn nhận một thực tế: kinh doanh trực tuyến không chỉ là biện pháp xoay trở để tìm kiếm doanh thu lúc khó khăn mà cần được đầu tư và đặt trong tầm nhìn phát triển dài hạn.

Dữ liệu từ các nền tảng hỗ trợ kinh doanh trực tuyến cho thấy xu hướng tiêu dùng của người dân thay đổi đáng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, mà nổi lên rõ nhất là gia tăng tiêu dùng trên các kênh trực tuyến.

thiet ke website 1

Nguồn: Neilsen Việt Nam

Datamart Solutions, công ty cung cấp nền tảng bán hàng thương mại điện tử, hiện đang hỗ trợ khoảng 20.000 nhà bán hàng tại Đông Nam Á với hơn 200.000 đơn hàng mỗi ngày. Bùi Hải Nam, sáng lập kiêm CEO Datamart cho biết xu hướng kinh doanh trực tuyến mạnh lên rõ rệt trong tháng 4, đưa tốc độ tăng trưởng trong tháng này lên hơn 15%, gấp ba lần mức tăng trưởng thông thường.

Tương tự, theo dữ liệu từ Ecomobi – nền tảng kết nối nhà bán hàng với cộng đồng trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube, Instagram, WhatsApp…, 90% việc kinh doanh trực tuyến trên các mạng xã hội là từ Facebook. Lượng đơn hàng trong mạng lưới của Ecomobi thời điểm giãn cách xã hội đã tăng gấp đôi trước đó.

Thực tế, mọi thứ đều đưa lên môi trường trực tuyến khi người dân không có lựa chọn. Có những xu hướng nổi lên nhưng nhanh chóng và trở lại bình thường ngay sau đó. Theo dữ liệu của DataMart, trước giãn cách xã hội, 85% thanh toán theo hình thức giao hàng trả tiền (COD) và giảm xuống 80% sau đó nhưng hiện tăng lên 82% kể từ đầu tháng 5.

Tuy nhiên cũng có những thay đổi trong hành vi tiêu dùng mà theo các nhà điều hành các nền tảng kết nối bán hàng trực tuyến, có thể kéo dài ngay cả khi dịch bệnh qua đi.

Một điểm khá thú vị khi giãn cách xã hội, theo Jack Nguyễn – giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Insider, tỷ lệ người dùng mới tiếp cận với các kênh trực tuyến càng gia tăng.

Insider là nền tảng marketing trực tuyến hỗ trợ thương mại điện tử. Theo dữ liệu ghi nhận của nền tảng này, lượng người dùng mới lần đầu vào các website thương mại điện tử tăng 50% so với trước đó, cơ bản do có nhiều người dùng mới tìm đến kênh trực tuyến và tỷ lệ mua hàng của nhóm này cũng tăng khoảng 30%, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu bán ra qua các kênh.

“Điều này cho thấy rằng nếu không chuẩn bị cho nền tảng online tốt là một sự lãng phí bởi ngày càng nhiều người dùng tìm kiếm đến kênh này,” Jack Nguyễn nói.

Dữ liệu từ Ecomobi cũng cho thấy lượng khách hàng mới mua sắm trực tuyến thông qua các mạng xã hội còn cao hơn nhiều. Nếu trước đây nhiều người có thói quen lên sàn thương mại điện tử tìm kiếm thương hiệu, sản phẩm thì nay họ có xu hướng vào các sàn để xem giá, rồi lên Youtube xem đánh giá hoặc vào Facebook nói chuyện trực tiếp với các chủ cửa hàng trước khi ra quyết định.

“Điều đó cho thấy việc tăng cường tương tác, xây dựng một cơ sở khách hàng gắn bó với thương hiệu, giữ chân họ là yếu tố giúp nhà bán hàng tăng trưởng bền vững trên môi trường trực tuyến”, Trương Công Thành, CEO của Ecomobi chia sẻ tại hội thảo mới đây do Endeavor tổ chức về hành vi khách hàng trong bối cảnh bình thường mới.

Cũng theo CEO Ecomobi, trước đây việc thu thập số điện thoại, email, các token chưa phải là trọng tâm của nhưng hiện nay nhiều đơn vị đang quay lại tập trung khai thác dữ liệu này. “Muốn tương tác, chăm chút cho cả trăm triệu khách hàng trong nước mà không định danh được họ là ai thì rất khó hiểu được nhu cầu của họ”, Thành nói.

Thành bổ sung thêm, gần đây nhiều thương hiệu đã sử dụng hình ảnh Covid-19 để tăng tương tác nhưng để biến thành đơn hàng thì chưa thực hiện được. “Người tiêu dùng đến với một nhãn hàng thế nào thì cách họ đi cũng sẽ như vậy. Trong dài hạn, nếu tiếp tục dùng tiền chi cho việc bán hàng mà không quan tâm đến xây dựng nền tảng khách hàng thì sẽ rất lãng phí,” CEO Ecomobi nói.

Số liệu cũng cho thấy, số lượng giao dịch thương mại điện tử thời gian qua không tăng nhiều nhưng bù lại giá trị bình quân mỗi đơn hàng tăng khoảng 20%, chủ yếu các ngành hàng thiết yếu. Điều này cần được xem là cơ hội để thúc đẩy một nền thương mại điện tử thực sự.

“Trước đây người dùng chỉ quen lên sàn tìm sản phẩm khi có nhu cầu, còn bây giờ họ có thể mua chai nước mắm, dầu ăn, thuốc hay bất kỳ thứ gì, thì đó chính là thương mại điện tử thực sự,” Thành đánh giá về mặt tích cực của tác động Covid-19 lên thị trường bán lẻ trực tuyến vốn tỷ trọng còn khiêm tốn trong tổng quy mô ngành bán lẻ.

Bùi Hải Nam từ DataMart cũng nhìn nhận tiêu dùng trực tuyến một số sản phẩm, ngành hàng hay thanh toán điện tử có thể giảm trở lại khi dịch bệnh qua đi nhưng vẫn có cơ hội tăng trưởng nếu mang đến một trải nghiệm đủ tốt để người dùng tiếp tục duy trì hành vi tiêu dùng của họ.

Đáng chú ý, Nam cũng chỉ ra rằng xu hướng người dùng sẽ mua hàng với chất lượng cao hơn. “Trước đây các sàn thương mại điện tử hầu như bán những mặt hàng giá trị thấp, thì nay nhiều mặt hàng giá trị tăng lên, khách hàng họ đồng ý chi trả cho những sản phẩm chất lượng hơn,” Nam cho biết.

Trong khi đó Jack Nguyễn cho rằng tư duy của doanh nghiệp online-to-offline sẽ phải thay đổi nhiều sau cú sốc từ dịch Covid-19 và có thể định hình về sau này. “Rất khó để sống trong môi trường luôn biến động nếu không quan tâm đầu tư những việc trong dài hạn. Những tác động mới sẽ giúp nhiều doanh nghiệp nhận ra nếu đi xa cần đổi mới là chắc chắn,” theo Jack Nguyễn.

Nguồn : forbesvietnam

Liên hệ tư vấn website

Thiết kế website Thiên Minh
0944 551 086 - 0943 420 400
hungtm@thienminhtech.com
hung.trinh68