Mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn
Mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn.
Sau 3 ngày diễn ra sự kiện Techfest, đã có 120 cuộc kết nối giữa startup và nhà đầu tư, với giá trị quan tâm đầu tư ước đạt khoảng 14 triệu USD. So với những thương vụ mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A), 14 triệu USD là con số khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu so với những đầu tư ở giai đoạn khởi đầu, đây là kết quả đáng chú ý. Nổi bật là GoStream đã giành ngôi vị Quán quân cuộc thi.
Đơn vị đoạt giải Nhì và Ba lần lượt là Edulive toàn cầu và EM&AI – AI Self-Service. Ngoài ra, HASU đã nhận được giải thưởng phụ là cam kết đầu tư từ Sunshine Holding. Nói như bà Mandy Nguyễn, Giám đốc Phát triển Hệ sinh thái SVF, cũng là Trưởng Ban tổ chức sự kiện Techfest: “Đây đều là các dự án đạt mô hình kinh doanh thực tiễn, ứng dụng công nghệ để nhân rộng và thoả mãn nhu cầu đa dạng, biến đổi của khách hàng”.
Trước đó, tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 (VVS), 33 quỹ đầu tư cũng đã cam kết rót 815 triệu USD vào các startup giai đoạn 5 năm (2021 – 2025). Trong số này, có rất nhiều tên tuổi mới và cũ như VinaCapital Ventures, 500 Startups, Alpha JWC, BeeNext, CyberAgent Capital, Do Ventures, FEBE Ventures, Genesia Ventures, Vietnam Investment Group, Viet Capital Ventures… Hay Surge 04 2020 cũng đã chọn ra 17 startup công nghệ giai đoạn đầu để rót 45,35 triệu USD từ các vòng Surge trước đó và các nhà đồng đầu tư.
COVID-19 đã thúc đẩy nhiều mô hình kinh doanh trên nền tảng số
Doanh nghiệp lớn tìm startup
“COVID-19 đã mở ra nhiều mô hình kinh doanh mới. Khi bị cách ly, hạn chế đi lại, nhiều người phải mua sắm online, sử dụng các dịch vụ từ xa. Công nghệ giúp cho nhiều việc tưởng không làm được lại trở nên có thể”, ông Joonpyo Lee, Giám đốc Điều hành SoftBank Ventures Asia, nhận định. Nửa đầu năm 2020, dù lượng vốn của các quỹ rót vào startup giảm 22% so với cùng kỳ do trở ngại từ dịch bệnh nhưng trên 50% số vốn cam kết, tương đương 220 triệu USD đã chi cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dù vậy, theo ước tính của Cento Ventures, các khoản đầu tư vào startup công nghệ ở Việt Nam hiện chỉ đạt 166 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với mức 2,8 tỷ USD đầu tư vào Indonesia.
Một số nhà đầu tư cho rằng Việt Nam đang thiếu vắng các công ty khởi nghiệp có khát vọng lớn trong khu vực. Trong khi đó, một báo cáo của McKinsey & Company dự đoán, dựa trên mảng bán lẻ và dịch vụ tại Việt Nam, 12 hệ sinh thái kỹ thuật số lớn, trong các mảng như tài chính, tiêu dùng, thương mại điện tử, giáo dục, nhà ở, sức khoẻ, dịch vụ công, du lịch và lưu trú… sẽ được hình thành, có khả năng tạo ra tổng doanh thu khoảng 100 tỷ USD vào năm 2025 và giúp các doanh nghiệp bước ra thế giới.
“Các startup công nghệ Việt cần mở rộng quy mô”, ông Richard Triều Phạm, Phó Tổng Giám đốc Tài chính Tiki, nhấn mạnh. Không chỉ các startup, phía tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào startup.
Có thể kể ra Grab với chương trình Grab Ventures Ignite dành hơn 1 triệu USD cho các startup. Hay Vingroup hỗ trợ toàn diện startup Việt theo mô hình Thung lũng Silicon. Đó là những hỗ trợ tài chính (có thể lên tới 10 tỷ đồng, tương đương 500.000USD), tư vấn từ chuyên gia quốc tế và cộng tác với Vingroup.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc VinTech City thuộc Vingroup, cho rằng những sự hỗ trợ kịp thời này giúp các dự án triển khai hiệu quả và nhanh chóng được thương mại hoá. Riêng Tập đoàn Sao Bắc Đẩu năm ngoái cũng đã lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng vốn đầu tư hướng tới là 200 tỷ đồng. Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sao Bắc Đẩu, cho biết quỹ đầu tư sẽ mở ra các cơ hội hợp tác tiềm năng cho cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Thực tế, các tập đoàn đang đứng trước áp lực đổi mới để sống còn và trụ vững trên thị trường. Dù vậy, theo bà Quỳnh Võ, Giám đốc chương trình Zone Startups Việt Nam, do hệ thống vận hành phức tạp, cồng kềnh, qua nhiều giai đoạn khác nhau nên các doanh nghiệp này thường không thể linh hoạt, ứng biến nhanh chóng, không có khả năng cập nhật, vượt nhanh như các công ty mới khởi nghiệp. Vì thế, theo ông Nguyễn Duy Khanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần K-GROUP Việt Nam, các công ty lớn (cá lớn) cần hợp tác với các công ty nhỏ (cá bé) để nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ xử lý vấn đề nhỏ, tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề quan trọng hơn, giúp các tiến trình được hoạt động trở nên hiệu quả.
“Nếu tự triển khai startup thì sẽ mất thời gian, nhân lực và chưa chắc làm tốt. Trong khi bên ngoài có những mô hình có sẵn, đã được kiểm nghiệm, có thể liên kết hợp tác”, lãnh đạo Công ty Sao Bắc Đẩu nhấn mạnh.
Cái bắt tay với doanh nghiệp lớn giúp startup có thể nhận được sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, quản trị, tham gia chuỗi sản xuất, hỗ trợ thị trường. Nhiều bằng chứng cho thấy, các startup, sau khi nhận được hậu thuẫn từ nhà đầu tư, đã phát triển nhanh chóng. Một ví dụ là Foody. Sau 8 năm hoạt động, trải qua 4 lần gọi vốn thành công, đến nay Foody đã trở thành website tìm kiếm và lựa chọn địa điểm tốt nhất, với hàng trăm ngàn địa điểm và hàng trăm ngàn bình luận, hình ảnh tại Việt Nam, ở hầu hết các tỉnh, thành.
Hay các ví điện tử sau khi lần lượt nhận các khoản đầu tư lớn từ Warburg Pincus (MoMo), VNG (ZaloPay), Grab (Moca) đã trở thành những công ty lớn mạnh. Tháng 9 vừa qua, Ví điện tử MoMo đã chính thức đạt 20 triệu người dùng, gấp 40 lần chỉ trong 5 năm gần nhất. MoMo hợp tác với 25 ngân hàng tại Việt Nam, hệ sinh thái còn được mở rộng với hơn 200.000 đối tác ở nhiều lĩnh vực, hệ thống hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán từ nhà hàng sang trọng đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Công thức đồng hành
Tuy nhiên, con số các startup thành công như kể trên không nhiều. Không ít báo cáo cho thấy, trong 3 năm đầu khởi nghiệp, có đến 92% startup thất bại và phải giải thể. Nhìn rộng ra thế giới, theo CB Insights, tỷ lệ startup thất bại trên thế giới nói chung dao động từ 75-90%. Ông Nguyễn Huy Minh, Tổng Giám đốc Công ty Sunshine Holding, cho rằng: “Mối quan hệ giữa startup với nhà đầu tư cũng giống như trong hôn nhân. Hôn nhân êm đẹp hay không do việc chọn bạn đời”. Nghĩa là để mối lương duyên bền chặt, có thể kết hợp ăn ý với nhau, cùng giúp nhau phát triển, đòi hỏi giữa doanh nghiệp và startup phải có sự hiểu biết và phải xây dựng trên nền tảng của niềm tin, sự trung thực.
Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào startup
Đã có những startup định giá công ty quá cao. Vì thế, ở chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 1, trong 22 dự án cam kết đầu tư, chỉ có 8 dự án (Soya Garden, VietFerm, EmWear, SuperShip, Tictag, Umbala, Ogami và Phleek) là được giải ngân. Không trung thực, định giá quá cao là những lý do chính khiến mối hợp tác đứt gánh giữa đường.
Trong hợp tác, bà Quỳnh Võ cho rằng, quan trọng là các startup phải biết mình làm được gì, thiếu gì, cần gì, muốn gì chứ không thể võ đoán. Đặc biệt, startup cũng cần lưu ý rằng, sự thay đổi, chuyển động là phải duy trì thường xuyên, liên tục, để đáp ứng và thích ứng các yêu cầu mới của đối tác, của thị trường. Điều này bắt buộc startup không đứng yên, không tự thoả mãn với những gì hiện có.
Chừng nào startup còn chứng tỏ mình có giá trị, tiếng nói của các startup trong mối quan hệ với nhà đầu tư, công ty lớn vẫn có trọng lượng. Tuỳ ngành nghề và mô hình, tuỳ chiến lược và tình hình mà đôi khi, việc tách riêng tự làm lại không tốt, không đạt kết quả bằng gắn vào một doanh nghiệp, một hệ sinh thái nào đó. Hệ sinh thái sẽ giúp startup tiết kiệm chi phí với cơ sở hạ tầng sẵn có, vào thị trường nhanh hơn thông qua mạng lưới khách hàng đủ lớn.
Thực tế, ở một số lĩnh vực như dịch vụ phần mềm (SaaS), giáo dục (EdTech), tài chính (Fintech), doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME Tech), tiêu dùng (Consumer), công nghệ y tế (HealthTech), thương mại điện tử cho doanh nghiệp (B2B marketplaces) đều cần mở rộng hệ sinh thái. Đơn cử, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà bán hàng lẫn khách hàng, các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee và Tiki đều đã xây hệ sinh thái trên cả 3 lĩnh vực: ứng dụng công nghệ tiên tiến, hệ thống giao vận và đa dạng phương thức thanh toán.
Thậm chí, các sàn tích hợp cả 3 mô hình thanh toán gồm thanh toán khi nhận hàng, thanh toán qua thẻ ngân hàng/ thẻ tín dụng và thanh toán qua ví điện tử. Đặc biệt, các sàn thương mại điện tử còn ứng dụng trí thông minh nhân tạo để cá nhân hoá trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng, lồng ghép trò chơi tương tác vào nền tảng thương mại điện tử. Tất cả mở ra cơ hội tham gia cho các startup.
Tuy nhiên, bên cạnh mong muốn tìm đối tác hợp tác, nhiều startup lo sợ bị mất quyền kiểm soát, bị thâu tóm. Ông Trần Anh Tuấn khẳng định: “Nhà đầu tư không nuốt các bạn, mà họ cần các bạn làm việc, đưa giải pháp”. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Minh cho rằng ở giai đoạn đầu, các startup còn quá nhỏ, chưa có gì để nhà đầu tư muốn thâu tóm. Nếu nhà đầu tư có chi phối nhiều, đó là vì startup chưa khiến họ an tâm. Dù cho nhà đầu tư có ý định thâu tóm, thì với tư duy cởi mở, lãnh đạo của K-GROUP Việt Nam cho rằng, đây là một sự đánh đổi cần thiết của “cá bé” để học hỏi, trau dồi thêm, dọn đường cho những chuyển mình.
Để đi cùng nhau suốt một chặng đường dài, nhà đầu tư cũng chấm điểm nhà sáng lập. Đó phải là những người có đam mê, có giấc mơ, có tư duy cởi mở linh hoạt, có khả năng thực hiện giấc mơ ấy theo lộ trình rõ ràng, cụ thể. Ý tưởng khả thi, phù hợp với chiến lược khẩu vị của nhà đầu tư và kế hoạch kinh doanh vững chắc luôn là những yếu tố hàng đầu. “Tuy nhiên, đó nên là dự án đủ lớn để truyền cảm hứng, đủ cơ hội để trải nghiệm, thử sức và trưởng thành ở tầm vóc khác. Ngoài ra, khả năng bán hàng, tương tác, khả năng kết nối với nhà đầu tư, khách hàng, giới truyền thông của người sáng lập startup cũng rất quan trọng”, ông Nguyễn Duy Khanh cho biết.
Trong mối lương duyên “cá lớn – cá bé”, thành bại còn ở hoà hợp văn hoá. Mỗi mô hình có sự khác biệt về đặc điểm, quản trị, tổ chức và yêu cầu. Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, nếu các bên không nhận thức họ cần nhau, đều cần điều chỉnh, không ngồi xuống cùng tìm giải pháp, nỗ lực đạt đến sự hài hoà thì xung đột, mâu thuẫn về văn hoá ứng xử, quản trị, điều hành sẽ xảy ra, mối quan hệ hợp tác sẽ khó bền vững.
Với thị trường tiềm năng và nhiều biến động, K-GROUP đang đứng với cả hai vai trò, cá lớn và cá bé. Là chú cá nhỏ, để đổi mới sáng tạo, học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, mở rộng tầm nhìn, thấy được tập khách hàng để rút ngắn chặng đường, phát triển doanh nghiệp. Điển hình, Công ty hợp tác với Vingroup để tận dụng được dữ liệu, nguồn lực, kinh nghiệm, hệ sinh thái.
Song song đó, K-GROUP là chú cá nhỉnh hơn, cập nhật xu thế thị trường, phát hiện lĩnh vực tiềm năng để đầu tư, phát triển. Đến nay, doanh nghiệp này đã đạt đến quy mô 12 công ty con, ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Thế Giới Thợ (kết nối giữa thợ và người dùng), Thế Giới Bác Sĩ (kết nối bác sĩ khám – chữa bệnh; đặt mua thuốc trực tuyến; theo dõi sức khoẻ; thuê dịch vụ y tế…), Fiona (giải pháp bán lẻ, quản lý, check-in với công nghệ trí tuệ nhân tạo, máy học, robot cho cửa hàng, trường học, văn phòng…).
Pháp lý trong hợp tác cũng là một điều cần lưu ý. Theo các luật sư, các bên cần làm rõ những điều khoản khi ký kết hợp đồng, mức đóng góp, hình thức tham gia, những ưu đãi, vấn đề thoái vốn, quyền quản trị… Bởi vì, nếu không chú ý, những câu chuyện như nhà sáng lập Nhommua ấm ức vì bị mất quyền kiểm soát sau khi gọi được 60 triệu USD có thể xảy ra. Nhìn xa hơn, bà Thạch Lê Anh, Nhà Sáng lập Vietnam Silicon Valley, cho rằng, Việt Nam cần một khung pháp lý. Nếu có luật về đầu tư mạo hiểm, có quy định, tiến trình, có tiêu chí cụ thể và nhà đầu tư chịu trách nhiệm về quyết định của mình sẽ dễ dàng huy động vốn hơn.
Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Quá trình giải ngân cho startup thường mất hơn 6 tháng, chưa kể thời gian chuẩn bị gọi vốn khoảng 1 năm trước đó. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của startup. Do đó, theo giới chuyên gia, cần thiết phải có một nền tảng chung để tất cả các nhà đầu tư nội, ngoại, nhà đầu tư thiên thần… có thể trao đổi, giảm thiểu tối đa thời gian để các startup có thể nhanh chóng kết thúc quá trình gọi vốn và tập trung vào phát triển kinh doanh.
Liên quan đến xây hệ sinh thái, bà Ann Mawe, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam, cho rằng, để đạt khả năng thích ứng và bắt kịp xu hướng công nghệ, phương thức mới trên thế giới, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp startup có thể hợp tác, kết nối với các tập đoàn lớn cũng như với những tổ chức hỗ trợ startup.
Nguồn: BrandsNews