Kết luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2020, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chuyển đổi số sẽ là một trong hai chương trình lớn được Bộ thực hiện trong năm tới. Theo đó, Bộ sẽ phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) để hỗ trợ chuyển đổi số cho toàn bộ hơn 800.000 doanh nghiệp Việt trong 5 năm tới.
“Điều này sẽ tạo ra sự thay đổi về chất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và giúp thay đổi động lực tăng trưởng của nền kinh tế”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.
Chuyển đổi số cũng được Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhắc đến là một ưu tiên trong giai đoạn “bình thường mới” – khái niệm xuất hiện khi đại dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi tiêu dùng, sự vận động của nền kinh tế.
Theo đó, để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch, Chính phủ tiếp tục mục tiêu ổn định vĩ mô, điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá và các chính sách khác. Các giải pháp được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số.
Bên cạnh đó, theo Phó thủ tướng, việc khuyến khích tư nhân, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trọng tâm trong giai đoạn sắp tới, để chủ động đón làn sóng đầu tư mới.
“Trạng thái ‘bình thường mới’ sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải có những cách tiếp cận mới, những cách thức và biện pháp chỉ đạo, điều hành mới”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài sự đồng hành, hỗ trợ từ Chính phủ, mục tiêu phát triển doanh nghiệp nội địa trong thời kỳ mới cũng là yêu cầu được đặt ra với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết các tập đoàn lớn đã có những đóng góp để doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiêu chí hỗ trợ nhóm này cũng trở thành chủ trương của Chính phủ trong giai đoạn tới đây khi thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp FDI nghiên cứu, xây dựng thêm các chương trình hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng.
“Các bạn đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong sự phát triển kinh tế nói chung, thúc đẩy khu vực tư nhân nói riêng. Nhưng không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động, tôi còn muốn các bạn có chương trình riêng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp”, Bộ trưởng Dũng nhận xét.
Trong đó, nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp trọng tâm được nhắc đến là các doanh nghiệp hình thành từ chính các cán bộ, chuyên gia làm việc cho các tập đoàn FDI. Sau khi tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm quản lý, những chuyên gia có thể tách ra thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp mới và đây sẽ là nhóm cần được hỗ trợ để nhanh chóng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguồn: vnexpress