Runner ‘vẽ’ hình trên Strava

HÀ NỘI – Anh Đăng Việt dùng ứng dụng Strava để ghi lại những cung đường chạy của mình theo hình bản đồ Việt Nam, cụ rùa Hồ Gươm…

“Hồi tháng 1, mình tình cờ thấy hình chú chuột trên Strava (ứng dụng ghi lại quãng đường đạp xe, chạy bộ), mình đã bắt chước chạy theo. Sau đó mình thấy hứng thú với việc “vẽ tranh” trên bản đồ bằng cung đường chạy bộ”, Đăng Việt – một nhân viên công sở đang sống ở Hà Nội – chia sẻ.

Hình ảnh cung đường chạy của Việt được chia sẻ khắp mạng xã hội và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng. Anh được cộng đồng chạy bộ Việt Nam gọi bằng nhiều biệt danh, như “Nghệ sĩ chạy bộ”, “Hoạ sĩ chân siêu nhân”… Đến nay, Đăng Việt đã “vẽ” được 19 hình trên bản đồ, trong đó có nhiều bức ấn tượng, như hình “Cắt đôi virus Covid-19”, “Cụ rùa Hồ Gươm”, “Bản đồ Việt Nam”, “Phật thiền dưới gốc cây bồ đề”…

Cụ rùa Hồ Gươm

Cụ rùa Hồ Gươm

Bản đồ Việt Nam

Bản đồ Việt Nam

Cắt đôi virus Covid-19

Cắt đôi virus Covid-19

Một số hình vẽ ấn tượng khác

Một số hình vẽ ấn tượng khác

Lá cờ Việt Nam

Lá cờ Việt Nam

Phật thiền dưới gốc cây Bồ Đề

Phật thiền dưới gốc cây Bồ Đề

Con trâu

Con trâu

Một hình vẽ ấn tượng khác

Một hình vẽ ấn tượng khác

 

 

 

Để vẽ được đường chạy theo hình dáng mong muốn, trước buổi chạy, Đăng Việt phải ngồi tưởng tượng, hình dung “hình vẽ” của mình trông thế nào trên bản đồ. Đây là khâu quan trọng và mất thời gian nhất.

“Mình hay xem lại đường chạy hàng ngày của mình và mọi người để tìm ý tưởng. Nếu nảy ra nội dung gì, mình sẽ dùng smartphone – loại có bút cảm ứng – để vẽ lên bản đồ. Sau đó, mình chuyển sang Google Maps dạng bản đồ phố hoặc vệ tinh để tìm đường, đo khoảng cách. Sau đó tính toán thời gian chạy hợp lý”, Đăng Việt chia sẻ.

Sau khi đã phác thảo được bản đồ ảo, Việt bắt đầu chạy. Những hình đầu tiên, anh vừa chạy vừa mở điện thoại để xem hình vẽ trên bản đồ, đảm bảo không bị nhầm đường. Khi đã quen, việc “vẽ” dễ dàng hơn. Trên ứng dụng Strava, những đoạn đường đi qua sẽ được ghi lại bằng hình cam. Nối tất cả đường chạy lại sẽ ra được hình mong muốn trong tưởng tượng.

“Cái khó khi ‘vẽ’ bằng đường chạy là mình không được dừng quá lâu. Nếu không ứng dụng sẽ xoá đoạn đường trước đó. Mình phải chạy lại từ đầu”. Việt nói.

Hình dài nhất anh “vẽ” được là “Phật thiền dưới gốc cây bồ đề” và “Đại bàng chiến hổ mang”, với quãng đường khoảng 42 – 45 km. Những hình cần đoạn đường dài, Đăng Việt phải chạy từ 3h sáng và hoàn thành vào giữa trưa. Hình ngắn hơn có thể kết thúc trước 8h30 sáng.

Theo Việt, ngoài việc tạo cảm hứng cho việc chạy bộ, nâng cao sức khoẻ, chạy theo hình cũng giúp anh khám phá được nhiều đường phố, ngóc ngách của Hà Nội. Nhiều người trong cộng đồng chạy bộ cũng được truyền cảm hứng từ việc làm của anh và dấy lên phong trào chạy bộ vẽ hình trên bản đồ.

Trong mỗi hình ảnh “vẽ” được, Việt đều chia sẻ bản đồ mình vẽ sẵn để mọi người có thể chạy theo.

Đăng Việt sẽ tiếp tục chạy để “vẽ” thêm nhiều hình nữa, đặc biệt, anh đang ấp ủ cung đường “Chú chim bồ câu đang bay” và biểu tượng “Hà Nội – thành phố vì hoà bình”. Cuối năm nay, anh dự định vẽ đường chạy hình con hổ để chào đón năm Nhâm Dần.

Trước Đăng Việt, phong trào chạy bộ vẽ hình từng được nhiều người hưởng ứng với những hình ảnh đặc biệt. Runner Nguyễn Ngọc Tiến ở Hà Nội từng gây sốt trong cộng đồng với đường chạy hình Khuê Văn Các, thuyền buồm, người cổ đại Ai Cập… với cách thức tương tự.

Trên thế giới, runner Lenny Maughan từng gây sốt khi biến cung đường chạy ở San Francisco thành những bức vẽ hình ảnh con người, động vật. Maughan đã “chạy vẽ” suốt 4 năm với 53 tác phẩm, mô phỏng gần như mọi thứ, từ mèo, tivi cho đến nắm đấm, bàn chân. Một trong những tác phẩm ấn tượng nhất của anh là chân dung nghệ sĩ Kahlo. Để hoàn thành tác phẩm này, Maughan đã chạy 46,5 km trong 6 tiếng 8 phút. Trong đó, tổng độ dốc phải leo, đổ là hơn 1.000 mét.

Nguồn: vnexpress

Liên hệ tư vấn website

Thiết kế website Thiên Minh
0944 551 086 - 0943 420 400
hungtm@thienminhtech.com
hung.trinh68